PHÁT HIỆN VÀ XỬ LÝ KHI XẢY RA TAI NẠN THƯƠNG TÍCH
1. Cháy:
- Người phát hiện nơi cháy phải hô to cho mọi người cùng biết.
- Giáo viên khẩn trương sơ tán người học ra khỏi nơi có cháy.
- Xử lý tại chỗ bằng bình nước uống có sẵn trong lớp, ngắt cầu dao điện chính.
- Cá nhân/tập thể gọi số điện thoại: 114 - Cơ quan phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ
2. Bong gân:
- Ngừng mọi hoạt động ở vùng khớp bị tổn thương. Có thể bảo vệ chi bị bong gân bằng cách sử dụng nẹp y tế nếu khớp bị lỏng lẻo, đau nhiều.
- Chườm đá lạnh lên vùng chi bị bong gân. Ngoài ra có thể thay bằng khăn lạnh, khăn ướt hoặc túi chườm đổ đầy nước lạnh để hạn chế sưng sau khi bị bong gân.
- Mỗi lần chườm 10-20 phút, có thể chườm đá liên tục sau 30 phút. Chườm lạnh càng sớm càng tốt vì sẽ giúp làm dịu cơn đau, giảm sưng phù nề vùng bị bong gân.
- Băng ép vùng bị bong gân bằng băng chun. Băng cuốn hoặc băng ống làm từ sợi chun hoặc neopren là tốt nhất.
- Dùng các loại băng co giãn, bản rộng quấn vòng quanh vùng tổn thương, các mép băng chồng lên nhau ½ đến 2/3 bề dày băng. Khi băng, chú ý không băng quá chặt vì sẽ hạn chế khả năng lưu thông máu, sưng nề vùng chi ở dưới nơi tổn thương.
- Nâng cao chi bị bong gân mỗi khi có thể để ngăn ngừa hoặc hạn chế sưng. Có thể dùng băng treo tay nếu bong gân ở tay hoặc nằm gối chân cao bằng gối mềm nếu bong gân ở chân.
Sau những bước sơ cứu bong gân cơ bản trên, cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để xác định bong gân nặng hay nhẹ. Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị bong gân nặng cần được thăm khám càng sớm càng tốt.
3. Chó cắn:
- Làm sạch: Rửa vết thương dưới vòi nước và xà phòng diệt khuẩn để loại bỏ mầm bệnh. Rửa nhẹ nhàng, tuyệt đối không chà xát mạnh.
- Thuốc sát trùng: Sử dụng thuốc sát trùng chuyên dụng, cồn hay nước oxy già để làm sạch vết chó cắn. Dung dịch sẽ loại bỏ vi khuẩn có hại ở mức độ nhất định.
- Cầm máu: Trong quá trình rửa vết thương bạn không nên cầm máu. 15 phút sau khi bị chó cắn, nếu máu vẫn tiếp tục chảy, đặt gạc y tế lên vết thương và băng lại. Nếu vết thương vẫn chảy nhiều máu, bạn nên nâng cao vùng bị thương để cầm máu.
Trong trường hợp vết thương sâu, máu phun thành tia, dùng dây thun để garô xung quanh vết thương. Sau đó, nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
4. Bị điện giật
- Tại nơi xảy ra tai nạn điện giật trước tiên cần lập tức ngắt nguồn điện, tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Nếu không biết cầu dao điện ở đâu thì cần dùng vật dụng khô (nên dùng gậy nhựa hoặc gỗ khô, không dùng vật dụng bằng kim loại) gạt dây điện ra. Nạn nhân đang ở nơi có nhiều nước thì cần đưa ra khỏi vùng nước. Cần ủ ấm, tránh để cho nạn nhân bị lạnh. Việc giữ thân nhiệt cho nạn nhân là rất quan trọng, nhất là với thời tiết lạnh.
- Tuyệt đối không vì hoảng loạn mà sờ vào người bị điện giật khi chưa ngắt điện. Bản thân người sơ cứu đi dép khô, đứng ở nơi khô ráo khi ngắt nguồn điện.
- Kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không bằng cách áp má vào mũi nạn nhân và xem lồng ngực có di động hay không, hoặc dùng tay đặt vào động mạch hai bên cổ nạn nhân.
- Nếu nạn nhân còn tỉnh: Kiểm tra mức độ tổn thương ở các vị trí nặng hay nhẹ. Đặc biệt, kiểm tra tổn thương nguy hiểm trước như ở đốt sống cổ bởi những tổn thương này có thể gây liệt nếu không sơ cấp cứu kịp thời, sau đó tiến hành kiểm tra các bộ phận còn lại. Động viên, an ủi để nạn nhân yên tâm.
- Nếu nạn nhân đã ngừng thở, ngừng tim, nếu tích cực hô hấp nhân tạo kịp thời và đúng cách trong những phút đầu tiên thì đa số có thể được cứu sống. Không ít người, do không được sơ cứu đã tử vong trong thời gian đợi xe cấp cứu đến.
- Trong lúc này, cần tiến hành hồi sức cấp cứu bằng cách hà hơi thở ngạt và nhấn tim. Nên để tay giữa ngực bệnh nhân, giữ bằng ức bàn tay, nhấn tim liên tục khoảng 100 lần một phút, liên tục không được dừng lại cho đến khi bệnh nhân thở trở lại được. Trong khi nhấn tim cần kết hợp hà hơi thổi ngạt khoảng 7-8 lần mỗi phút, tức là cứ trung bình nhấn tim khoảng 30 lần thì hà hơi thổi ngạt 2 lần. Cứ kiên trì như vậy cho đến khi bệnh nhân có dấu hiệu thở trở lại.
* Lưu ý: khi tiến hành sơ cứu nhấn tim và hà hơi thổi ngạt, phải đặt nạn nhân ở nơi thoáng đãng, trên nền cứng. Sau khi bệnh nhân bị ngất mà tỉnh hẳn vẫn nên đưa vào bệnh viện kiểm tra và theo dõi, những trường hợp hơi mất ý thức cũng cần cẩn trọng vì nhiều trường hợp bệnh nhân ngất đi, tỉnh lại vẫn có thể có biến chứng trong vài ngày sau.
- Đối với trường hợp nạn nhân bị bỏng, không được tạt nước vào khiến cho thương tổn nặng nề hơn.
5. Bị gãy xương
- Đưa nạn nhân ra khỏi nơi bị nạn.
- Đặt nạn nhân nằm ở tư thế thuận lợi.
- Chống sốc cho nạn nhân (nếu có).
- Bộc lộ vùng bị thương, quan sát đánh giá, xác định vị trí tổn thương.
- Băng vết thương nếu có rách da gây chảy máu (gãy xương hở).
- Cố định xương gãy bằng nẹp.
- Nhanh chóng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
* Nguyên tắc cố định xương gãy
- Nẹp phải đủ dài để bất động chắc khớp trên và khớp dưới chỗ gãy.
- Không đặt nẹp trực tiếp sát vào da nạn nhân, đầu nẹp, các chỗ mấu lồi của đầu xương phải lót bông, vải rồi mới đặt nẹp.
- Nẹp phải được cố định chặt vào chi bị thương thành một khối.
- Các nút cố định ở trên hoặc dưới vị trí gãy một khớp, riêng với vị trí gãy xương đùi bất động thì phải ba khớp.
- Bất động chi theo tư thế cơ năng (chi dưới duỗi 180 độ, chi trên gấp khuỷu 90 độ).
- Đối với gãy hở, gãy nội khớp: Phải bất động theo tư thế gãy, không kéo nắn, ấn đầu xương gãy vào trong. Nếu có tổn thương động mạch phải đặt garo tùy ứng, sau khi cố định tiến hành băng vết thương (gãy hở).
- Đối với gãy kín: Phải nhẹ nhàng, cẩn thận khi tiến hành cố định. Phải có người phụ kéo chi liên tục bằng một lực không đổi cho tới khi cố định xong.
- Không nên cởi quần áo nạn nhân. Nếu cần phải bộc lộ vết thương thì cắt quần áo theo đường chỉ. Nếu phải cởi quần áo thì cởi bên lành trước.
- Sau khi cố định xong thì buộc khăn chéo treo lên cổ đối với chi trên, buộc hai chi vào nhau đối với chi dưới.
- Thường xuyên nâng cao chi bị gãy sau khi cố định để giảm sự sưng nề, khó chịu.
- Nhanh chóng, nhẹ nhàng vận chuyển nạn nhân đến cơ sở điều trị, thường xuyên quan sát theo dõi nạn nhân về tình trạng toàn thân, đặc biệt là tình trạng tuần hoàn phía dưới ổ gãy.
* Dụng cụ để cố định gãy xương
- Nẹp: Nẹp gỗ, nẹp thomas, nẹp Kramer, nẹp kim loại, nẹp hơi... hoặc nẹp tùy ứng như thanh tre, thanh gỗ, gậy...
- Băng: To bản dùng để buộc, giữ nẹp ôm lấy phần thân cố định hoặc dây vải chắc (chi trên dùng ba dây, cẳng chân dùng bảy dây, đùi dùng 10 dây).
- Bông: Bông mỡ hoặc đệm mềm để đệm các vùng nẹp tiếp xúc với đầu xương, nẹp, có thể dùng vải hoặc giấy mềm thay thế.
- Khăn chéo: Để treo tay.
6. Ngộ độc:
- Có thể gây nôn bằng cách: Dùng lông gà ngoáy họng, uống nước mùn thớt, uống nước muối (2 thìa canh muối pha với 1 cốc nước ấm) hoặc uống đầy nước rồi móc họng để kích thích gây nôn.
- Tuy nhiên, khi sơ cứu bằng gây nôn phải lưu ý móc họng cho khéo, tránh làm xây xát họng. Phải nằm đầu thấp, nghiêng đầu sang một bên rồi móc họng để nôn thức ăn ra. Không nằm ngửa và nôn vì như vậy có thể gây sặc lên mũi, xuống phổi và rất dễ dẫn đến tử vong. Trong quá trình gây nôn, phải luôn phải khăn để lau chùi. Móc sạch thức ăn nôn ra rồi dùng khăn mềm lau sạch miệng.
- Với trường hợp ngộ độc xảy ra sau khi ăn phải thức ăn gây độc sau 6h, lúc này chất độc đã bị hấp thu một phần vào cơ thể, thì cần xử trí bằng cách:
+ Dùng chất trung hòa: nếu người bị ngộ độc do những chất acid có thể dùng những chất kiềm chủ yếu như: nước xà phòng 1%, nước magie oxyt 4%, cứ cách 5 phút cho người bệnh uống 15ml. Tuy nhiên, tuyệt đối không được dùng thuốc muối để tránh hình thành CO2 làm thủng dạ dày cho bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày. Nếu người bị ngộ độc do chất kiềm thì cho uống dung dịch acid nhẹ như: dấm, nước quả chua….
+ Dùng chất bảo vệ niêm mạc dạ dày như: dùng bột mì, bột gạo, sữa, lòng trắng trứng gà, nước cháo…để ngăn cản sự hấp thu của dạ dày, ruột đối với chất độc.
+ Dùng chất kết tủa: nếu bị ngộ độc kim loại (chì, thủy ngân…) có thể dùng lòng trắng trứng, sữa hoặc 4 – 10g natri sunfat.
+ Dùng chất giải độc: với người bị ngộ độc kim loại nặng, axit… có thể uống kết hợp với chất độc thành chất không độc như: uống hỗn hợp than bột, magie oxit.
Lưu ý: Đối với tất cả các trường hợp ngộ độc đều phải được đưa ngay tới cơ sở Y tế để được bác sỹ đưa ra phác đồ cấp cứu điều trị, phù hợp, kịp thời.
7. Các bước xử lý vết thương hở
- Rửa sạch tay trước khi thao tác để tránh bị nhiễm trùng là bước đầu tiên bạn nên thực hiện khi xử lý vết thương hở.
- Cầm máu bằng cách ép nhẹ một miếng vải hoặc băng sạch vào vết thương và nâng cao lên cho đến khi máu ngừng chảy. Mặc dù về cơ bản, những vết trầy xước và vết thương nhỏ thường tự cầm máu (Cầm máu là bước quan trọng ban đầu trong xử lý vết thương hở)
- Làm sạch vết thương. Đây cũng là một bước quan trọng cần lưu ý khi xử lý vết thương hở để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Hãy rửa vết thương dưới vòi nước chảy; rửa vùng xung quanh với xà phòng và không được để dính vào vết thương; không sử dụng cồn và iot vì gây rát da; dùng nhíp sạch đã rửa với cồn để loại bỏ bụi và các mảnh dính.
- Băng vết thương lại bằng cách đặt một miếng băng hoặc gạc lên và cố định bằng băng keo để giữ vết thương sạch. Nếu là một vết trầy xước nhỏ thì không cần. (Vết thương hở nếu không được băng bó có nguy cơ tái lại và nhiễm trùng)
8. Ong đốt
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực có ong.
- Đặt nạn nhân nằm yên một chỗ, tránh cử động nhiều để hạn chế nọc độc lan truyền trong cơ thể.
- Khều nhẹ hoặc dùng nhíp lấy ngòi chích của ong ra. Tuyệt đối không dùng tay nặn để lấy ngòi vì túi độc có thể sẽ vỡ, làm cho nọc độc lan ra và thấm sâu hơn vào cơ thể.
- Rửa sạch những chỗ có vết chích bằng xà phòng và nước ấm hoặc dung dịch sát trùng, sau đó đắp khăn lạnh hay túi chườm đá lên vùng bị đốt để làm giảm đau và giảm sưng.
- Cho nạn nhân uống nước để thải bớt độc tố.
- Sau khi sơ cứu, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, đặc biệt khi có các biểu hiện bệnh nặng hơn.
- Bệnh nhân khó thở: Hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng phương tiện hiện có. Không tự dùng thuốc (dù là thuốc y học cổ truyền hay thuốc tân dược), không cố tìm vôi để bôi vì tốn thời gian, không tốt nếu vết cắn nhiều, vết đốt ở mặt, cổ, miệng.