Thời tiết nắng, nóng, rất dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe như: cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng, dịch bệnh… trong đó nguy hiểm nhất là sốc nhiệt. Những đối tượng có nguy cơ cao bị sốc nhiệt là người già, trẻ em, người mắc bệnh mãn tính (tim mạch, gan, ung thư…), những người lao động ngoài trời. Sốc nhiệt nguy hiểm đến tính mạng do tiếp xúc nhiệt độ cao gây ra. Nếu không được cấp cứu kịp thời nạn nhân có thể chết hoặc để lại di chứng nặng nề.
Để chủ động phòng chống tác hại của nắng, nóng đối với sức khỏe, sinh hoạt viên chức, người lao động (VC-NLĐ) và người học cần tăng cường các biện pháp bảo đảm sức khỏephòng, chống các loại bệnh trong mùa hè: say nắng, say nóng, ngộ độc thức ăn…, đồng thời nhận biết và sơ cứu khi gặp người bị say nắng, say nóngnhư sau:
1. Các biện pháp bảo đảm sức khỏe phòng, chống say nắng, say nóng:
- Hạn chế đi ra ngoài đường, ngoài trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nóng.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…; tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
- Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà, đồ dùng học tập… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân, chất thải phải được thu gom, đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh./.
2. Nhận biết dấu hiệu của say nắng, say nóng:
Khi bị say nắng, say nóng, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có những triệu chứng thường gặp, như: Mất nước nhẹ biểu hiện bằng việc khát nước, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, nước tiểu sậm, tim đập nhanh, da tái nhợt, thở nhanh; mất điện giải với biểu hiện nôn ói, chuột rút, lơ mơ, thay đổi hành vi. Nếu không can thiệp ngay, bệnh nhân sẽ nhanh chóng diễn tiến nặng, choáng do nóng với biểu hiện thân nhiệt tăng cao hơn 40,5 độ C, kèm theo tình trạng trụy mạch tụt huyết áp, co giật, và có thể bị hôn mê.
Nếu phát hiện và giải quyết kịp thời, bệnh hồi phục nhanh chóng; nếu để diễn tiến đến giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể tử vong trong vài phút. Có những bệnh nhân không tử vong, nhưng để lại những tổn thương nặng không hồi phục như suy gan, suy thận, tổn thương não v.v
3. Cách sơ cứu khi gặp người bị say nắng, say nóng:
Khi gặp trường hợp say nắng, say nóng, cần nhanh chóng tiến hành những biện pháp sơ cứu ngay lập tức khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế hay phương tiện y tế bằng cách giảm thân nhiệt cho nạn nhân: Chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió; cởi bỏ bớt quần áo; cho uống nước mát có pha ít muối hoặc pha gói Oresol để bù lại điện giải; chườm lạnh bằng khăn mát hoặc nước đá ở nách, bẹn, cổ để hạ thân nhiệt nhanh và hiệu quả. Sau đó, đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để theo dõi, điều trị tiếp theo nếu mức độ nặng.
Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc gây nôn có thể làm sặc nước vào phổi gây suy hô hấp, hay tình trạng sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở… thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Trong quá trình vận chuyển vẫn thường xuyên chườm mát liên tục cho nạn nhân.