Giải pháp tiết kiệm điện và giảm chi phí tiền điện
mùa nắng nóng
Trước dự báo thời tiết nắng nóng có thể kéo dài, nhu cầu sử dụng điện của Nhà trường tăng cao. Vì vậy, một số giải pháp tiết kiệm điện trong Nhà trường cần thực hiện như sau:
1. Ngắt/Rút nguồn thiết bị điện khi không sử dụng
Các thiết bị điện như máy tính, Tivi, máy điều hòa… ngay cả khi đã tắt đều có thể tốn điện năng. Tuy điện năng tiêu tốn tại thời điểm đó không cao nhưng xét về lâu về dài, số tiền Nhà trường bỏ ra nhiều đáng kể.
Người dùng thiết bị lưu ý thực hiện:
- Rút nguồn các thiết bị khi không sử dụng; ngắt cầu dao máy điều hòa; ngắt cầu dao tổng thiết bị điện phòng làm việc khi ra về, trừ một số thiết bị chuyên dùng (đặc biệt vào cuối các ngày thứ 6 và trước ngày lễ).
- Tắt đèn phòng khi ánh sáng tự nhiên đã đủ sử dụng.
- Cắt nguồn điện khi kết thúc buổi học.
Bảng qui định "Tiết kiệm điện" tại phòng học
2. Lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện
Sử dụng những thiết bị tiết kiệm như bóng đèn tiết kiệm điện, điều hòa tiết kiệm điện,… những thiết bị này tuy có giá thành cao nhưng thời gian sử dụng được lâu và tiết kiệm được khá nhiều chi phí trong hóa đơn tiền điện
Hệ thống điện chiếu sáng phòng học, phòng làm việc, khu vực đường đi … được thay thế bằng các thiết bị LED chiếu sáng (không dùng đèn sợi đốt gây nóng bức và tốn điện năng), bố trí hợp lý và đóng cắt phù hợp tận dụng ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm điện theo từng thời điểm trong ngày.
Lắp mới trụ LED chiếu sáng đường đi Giảng đường G4
Cải tạo mái nhà các xưởng thực tập, nhà làm việc lắp đặt Quạt thông gió, hai bên tường nhà xưởng lấy ánh sáng tự nhiên nhằm giảm bớt điện tiêu thụ nhưng đảm bảo nhu cầu ánh sáng cho môi trường làm việc.
Quạt thông gió tại Viện Nuôi trồng - Khai thác Thủy sản
3. Kiểm tra sửa chữa, bảo dưỡng định kỳ thiết bị điện
Định kỳ kiểm tra, vệ sinh sạch các thiết bị, lau hết bụi bẩn: đèn, quạt, bộ màng lọc máy chiếu, tấm lưới lọc máy điều hòa … giúp các thiết bị điện tăng gấp đôi công năng của nó khiến đèn sáng hơn, quạt thổi mạnh hơn, máy lạnh làm mát nhanh …đảm bảo hiệu quả làm mát và soi sáng
Kiểm tra định kỳ Máy lọc nước tại các khu vực giảng đường, khu nhà làm việc tránh tình trạng rò rỉ nước.
Vệ sinh định kỳ tấm lọc bụi Máy điều hòa
4. Thay đổi thói quen sử dụng một số thiết bị
Người dùng chỉ xài điện khi thật cần thiết, tắt quạt hay đèn khi rời đi nơi khác. Sử dụng thiết bị đúng cách giúp tăng tuổi thọ thiết bị, tiết kiệm điện năng hợp lý:
- Thiết bị Máy Điều hòa: cứ tăng lên 1độ C Nhà trường có thể tiết kiệm được 2-3% điện năng. Nên điều chỉnh Máy điều hòa tại các phòng học, phòng làm việc phù hợp để tiết kiệm điện cho máy
+ Đóng kín tất cả các cửa sổ ngăn ngừa rò rỉ không khí khi bật máy lạnh giúp giảm chi phí tiền điện đáng kể.
+ Không nên bật điều hòa quá nóng hoặc quá lạnh, nên để ở mức 18 độ C mùa đông và 26-28 độ C vào mùa hè để tránh lãng phí.
- Đèn chiếu sáng: Ưu tiên tận dụng ánh sáng tự nhiên nhiều hơn vì ánh sáng mặt trời tự nhiên sẽ tạo ra một môi trường học tập thoải mái hơn so với ánh sáng của bóng đèn điện thường có trong các lớp học; giúp tập trung, tỉnh táo và cải thiện hơn tâm trạng người học.
+ Vào ban ngày nên bật một số bóng đèn khi ánh sáng mặt trời đủ chiếu sáng phòng học; không nên bật toàn bộ đèn gây lãng phí
+ Ngắt điện/Tắt đèn khi kết thúc buổi học. Việc tắt đèn còn giúp phòng học mát hơn trong thời tiết nắng nóng.
- Quạt:
+ Bật quạt ở chạy ở tốc độ vừa phải kết hợp mở cửa sổ phòng đón gió tự nhiên; không nên để quạt chạy ở tốc độ quá cao gây tốn điện.
+ Rút phích cắm điều khiển từ xa và tắt quạt sau khi sử dụng.
5. Mở cửa sổ để đón không khí mát
Ban ngày, mở cửa tất cả các cửa sổ phòng học đón gió làm dịu mát phòng.
Thay vì sử dụng điều hòa phòng làm việc, người dùng có thể mở cửa sổ, tận dụng được luồng khí mát từ gió trời và điều hòa không khí trong phòng làm việc.
6. Sử dụng tủ lạnh đúng cách
Đặt tủ cách tường ít nhất 10 cm. Đảm bảo nhiệt độ bên trong tủ dao động từ 3-6 độ C và âm 15 đến âm 18 độ C với chế độ đông lạnh.
Hạn chế mở tủ lạnh vào những ngày này vì mỗi lần mở, tủ lạnh lại gặp một luồng khí nóng khiến chúng phải cân bằng lại nhiệt độ đã thiết lập. Điều này gây tốn nhiều điện năng hơn.
7. Sử dụng rèm cửa để tránh ánh sáng
Khi thời tiết quá nắng, việc kéo rèm vào sẽ giúp không khí trong phòng mát và thoáng hơn. Lựa chọn các loại rèm có màu sắc trung tính với chất liệu màu trắng bên trong vải tráng nhựa. Loại rèm xếp li này có thể giảm khí nóng lên đến 33%; Thay vì sử dụng các loại rèm mỏng, vẫn rọi được ánh sáng vào phòng.
8. Tăng cường cây xanh trong Nhà trường
Giữa thời tiết nắng nóng, nhiệt độ từ 35-40 độ C, không gian xanh từ những hàng cây trồng tại các khu vực làm dịu bớt đi tác động của ánh nắng gay gắt, cản trở chiếu trực tiếp vào phòng làm việc. Ngoài ra, không gian xanh có thể “giải nhiệt" cho không khí cũng như tinh thần CBVC, SV làm việc và học tập.
Đơn vị Trung tâm Phục vụ trường học chú ý đảm bảo nguồn nước tưới vừa đủ, cắt tỉa các cành cây khô, cành mọc thừa duy trì tán cây xanh mát, không bị khô héo khi nắng nóng kéo dài.
Hàng cây xanh trước Giảng đường G5
Hàng cây xanh trước Giảng đường G4
9. Hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện cùng một lúc trong giờ cao điểm
Trong khoảng thời gian cao điểm: từ 9h30-11h30 sáng và 17h-20h tối, người dùng thiết bị chỉ nên sử dụng những thiết bị cần thiết và những thiết bị tiết kiệm điện đã được chứng nhận.
10. Để ý đến chỉ số hiệu suất năng lượng
Trước khi sắm sửa một thiết bị điện, Nhà trường rất quan tâm và tìm hiểu các chỉ số đánh giá hiệu suất năng lượng EER để có thể chọn mua thiết bị tiết kiệm điện tốt nhất. Chỉ số này càng cao thì hiệu suất năng lượng ước tính sử dụng càng tăng. Vì vậy nên mua các thiết bị mới với phần ghi chú có chữ " Tiết kiệm năng lượng"
Chỉ số hiệu suất năng lượng EER trên nhãn năng lượng sản phẩm
11. Tuyên truyền CBVC, SV thực hiện tiết kiệm điện
Thực hiện tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt tổng kết Khoa, tổng kết tháng, sinh hoạt học thuật, tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề trên lớp … để mỗi CBVC, SV, người lao động hãy cùng nhau hành động nâng cao ý thức sử dụng năng lượng điện tiết kiệm. Qua đó, góp phần chung tay bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu.
Thường xuyên chia sẻ các hoạt động, hướng dẫn thực hiện sử dụng thiết bị văn phòng, thiết bị dạy học đúng cách, tiết kiệm điện trong Nhà trường, từng bước người lao động chung tay với đơn vị sử dụng thiết bị điện tiết kiệm, hiệu quả. Mỗi hành động nhỏ của mỗi cá nhân, tập thể góp phần vào công tác tiết kiệm điện hiệu quả cho Nhà trường.
Hội thi đua ô tô tự chế sinh viên Khoa Kỹ thuật Giao thông