Sốt Rét là gì?
Bệnh sốt rét là bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng sốt rét ký sinh trong máu người bệnh gây nên. Bệnh lây truyền chủ yếu do muỗi A-nô-phen truyền từ người bệnh sang người lành thông qua vết muỗi đốt. Mọi người đều có thể mắc bệnh nếu sống hoặc có qua lại vùng rừng núi nơi có sốt rét lưu hành và bị muỗi A-nô-phen đốt. Biện pháp diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt vẫn là biện pháp chủ yếu và hiệu quả nhất.
Biểu hiện của bệnh sốt rét:
Triệu chứng điển hình của bệnh sốt rét trải qua 3 giai đoạn: Rét run, sốt cao, vã mồ hôi cơn sốt kéo dài từ 2 đến 8 giờ, ngoài cơn sốt người bệnh trở lại bình thường, ngoài cơn sốt điển hình còn có các triệu chứng khác đi kèm như đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, đau cơ, rối loạn tiêu hóa, đau tức vùng gan….

Bệnh sốt rét được chia ra 2 thể lâm sàng:
* Sốt rét thể thông thường:
- Có cơn sốt điển hình: Rét run, sốt, vã mồ hôi.
- Cơn sốt không điển hình: Sốt không thành cơn, ớn lạnh, gai rét (gặp ở người sống lâu ngày trong vùng sốt rét lưu hành), sốt liên tục hoặc giao động (gặp ở người mắc sốt rét lần đầu, trẻ em).
- Thiếu máu, gan to, lách to.
- Xét nghiệm bắt được ký sinh trùng sốt rét (KSTSR +) hoặc test nhanh phát hiện kháng nguyên sốt rét (+)
* Sốt rét ác tính:
Sốt rét ác tính có biến chứng đe dọa tính mạng người bệnh nếu điều trị không đúng phác đồ, chậm trễ dễ bị tử vong. Sốt rét ác tính thường xảy
ra ở những bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng P. Fanciparum hoặc phối hợp hai loại ký sinh trùng P.Fanciparum vàP.Vivax.
+ Các dấu hiệu dự báo sốt rét ác tính:
- Rối loạn ý thức nhẹ (cuồng sảng, sốt li bì, vật vã).
- Sốt cao liên tục 39,5 độ - 41 độ C.
- Rối loạn tiêu hóa: Đau bụng cấp, nôn, tiêu chảy nhiều lần.
- Đau đầu dữ dội.
- Thiếu máu nặng, da xanh, niêm mạc nhợt
- Xét nghiệm mật độ ký sinh trùng trong máu rất cao ( P.Fanciparum +++)
Tác hại của bệnh sốt rét:
- Người mắc bệnh sốt rét thường xuyên bị thiếu máu (người gầy, da xanh, niêm mạc nhợt)
- Gan to, lách to dễ bị vỡ khi bị chấn thương.
- Phù nề do suy dinh dưỡng.
- Phụ nữ có thai dễ bị sảy thai, đẻ non, thai chết lưu.
- Trẻ em suy dinh dưỡng, chậm lớn.
- Người mắc bệnh sốt rét giảm sức lao động, giảm thu nhập, đói nghèo….
- Bệnh sốt rét điều trị không tốt trở thành nguồn bệnh lây lan trong cộng đồng và có thể trở thành ác tính gây tử vong.
5. Biện pháp phòng chống bệnh sốt rét:
Bệnh sốt rét hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa, việc phòng chống bệnh sốt rét chủ yếu tiêu diệt véc tơ truyền bệnh là muỗi Anophen, để phòng bệnh sốt rét cần thực hiện một số biện pháp sau đây:
Để phòng bệnh sốt rét, chúng ta cần ngủ mùng dù ở trong nhà, nương rẫy, hay đi du lịch trong rừng, và khi trở về từ vùng rừng núi hoặc vùng có bệnh sốt rét lưu hành thì nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.
Những khu vực có muỗi Anophen lưu hành cần diệt muỗi bằng phun thuốc định kỳ, tẩm màn hóa chất để diệt muỗi, xoa kem và hương xua muỗi, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà, khơi thông dòng chảy, mặc quần áo dài buổi tối,…
Ngoài ra, những khu vực bệnh sốt rét lưu hành thường xuyên thì chúng ta còn được uống thuốc dự phòng ngắn ngày, xác định sớm ca bệnh để khoanh vùng dịch.
+ Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: Rét run, sốt nóng sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Bệnh sốt rét tuy có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, song vẫn có cách phòng ngừa đẩy lùi dịch bệnh. Do đó, mỗi người chúng ta cần trang bị cho mình kiến thức để tự bảo vệ bản thân trước căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.